Đầu tháng này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa đồng ý cho VTV và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) lập công ty cổ phần để đầu tư dự án Tháp Truyền hình Việt Nam.
Theo Chính phủ, đây là dự án tầm cỡ quốc tế và thuộc loại cao nhất trên thế giới. Công trình này sẽ không chỉ tác động lên lĩnh vực truyền hình tại Việt Nam, mà còn thúc đẩy du lịch, đầu tư và xã hội. Đây cũng chính là mục tiêu được nhiều nước đặt ra khi xây dựng các công trình tương tự.
Oriental Pearl Tower là một trong những tòa nhà cao nhất Trung Quốc. Tháp được xây dựng năm 1990, hoàn thành và mở cửa năm 1994 với chiều cao 468m. Nằm bên bờ sông Hoàng Phố, công trình này đã tạo nên hình ảnh đặc trưng cho Thượng Hải.
Công ty xây dựng là Tập đoàn Shanghai Oriental Pearl. Họ được tách ra từ Cục Phát thanh - Truyền hình Thượng Hải năm 1992 để huy động vốn xây dựng tòa tháp này.
|
Tháp Oriental Pearl đã trở thành hình ảnh đặc trưng của Thượng Hải. Ảnh: Huffington Post
|
Ngoài phục vụ hoạt động phát thanh truyền hình, tháp còn mở cửa bán vé cho khách tham quan. Bên trong cũng được thiết kế với phòng triển lãm, nhà hàng xoay, phòng họp, khu vui chơi và cả trung tâm mua sắm. Trên website Oriental Pearl Tower, giá vé vào cửa dao động trong 160-220 NDT một người, các bữa ăn trong nhà hàng vào khoảng 300 NDT.
SCMP cho biết lợi nhuận từ việc bán vé vào tham quan tòa tháp năm 1995 đạt khoảng 70 triệu NDT, đóng góp gần một nửa lợi nhuận cho Shanghai Oriental Pearl khi ấy. Hiện Oriental Pearl Tower là một trong 3 điểm hút khách du lịch nhất Thượng Hải với hàng chục nghìn lượt khách mỗi ngày. Thậm chí, trong dịp Tết Nguyên đán, chính quyền Thượng Hải còn phải giới hạn số lượt vào là 35.000 ngưỡi mỗi ngày.
Tokyo Skytree hiện là tháp truyền hình cao nhất thế giới với chiều cao tổng cộng 634m. Chi phí xây dựng tháp vào khoảng 65 tỷ yen. Hoàn thiện và mở cửa năm 2012, tháp có nhiệm vụ truyền tín hiệu kỹ thuật số mặt đất cho nhiều kênh truyền hình và ngăn chặn các thảm họa thiên nhiên.
Cũng như các tòa tháp khác, Tokyo Skytree mở cửa cho khách tham quan và sử dụng các tiện nghi bên trong, như phòng triển lãm, nhà hàng, quán cà phê hay nơi mua sắm. Giá vé vào cửa dao động trong khoảng 150-2.500 yen mỗi người.
Chủ sở hữu tòa tháp này là Tobu Tower Skytree. Còn Tobu Travel là hãng du lịch duy nhất có thể khai thác Tokyo Skytree. Hãng kết hợp với nhiều khách sạn xung quanh để tổ chức các tour du lịch Tokyo, trong đó có điểm đến là tháp này
Tại Đức, Tháp truyền hình Berlin (Fernsehturm) cao 368m được coi là biểu tượng cho sự thống nhất của quốc gia này. Hoàn thiện năm 1969, tòa tháp hiện là một trong những điểm hút khách du lịch nhất Berlin, với 1,2 triệu lượt khách mỗi năm.
|
Nhà hàng trong tháp truyền hình Berlin. Ảnh: Berliner Fernsehturm
|
Fernsehturm cũng bán vé vào cửa cho khách tham quan, với giá trong khoảng 15-23 euro mỗi người. Ngoài việc được chiêm ngưỡng toàn cảnh thành phố từ trên cao, khách du lịch còn có thể ghé qua quán bar và nhà hàng được xây dựng bên trong.
Fernsehturm cũng tổ chức nhiều sự kiện có bán vé vào cửa cho khách tham quan. Hoặc khách hàng cũng có thể đăng ký tổ chức các sự kiện của công ty, đám cưới hoặc tiệc cá nhân tại đây.
Tháp truyền hình CN (CN Tower) tại Toronto được Công ty Đường sắt quốc gia Canada xây dựng năm 1976 với chi phí 63 triệu đôla Canada. Hiện công trình này được quản lý bởi Công ty Canada Lands. Với chiều cao 553m, CN Tower đã giữ danh hiệu tòa tháp cao nhất thế giới cho đến năm 2010.
Mỗi năm, CN Tower có khoảng 1,5 triệu lượt khách. Vé vào cửa có giá dao động khoảng 22-29 CAD. Du khách sẽ phải trả thêm phí, hoặc mua thẻ quà tặng (gift card) để sử dụng các dịch vụ khác bên trong, như nhà hàng hay đường đi trên không. Tòa tháp cũng là địa điểm thường xuyên được chọn tổ chức các sự kiện như hội họp, tiệc sinh nhật, ra mắt sản phẩm, họp báo hay lễ đính hôn.
Hà Thu