Để chuyển 4 triệu đồng từ Hà Nội cho con trai đang là sinh viên tại Nam Định trả tiền thuê nhà và ăn học, chị Nhiệm (quê Sơn Tây, nhân viên tạp vụ một công ty ở Hà Nội) đã mất gần một tuần và hai lần phí chuyển tiền. 4 ngày sau khi chị Nhiệm chuyển tiền lần đầu tại quầy, nhân viên ngân hàng mới thông báo tiền được trả lại vì chị đã ghi nhầm tên chi nhánh là Hùng Vương (Phú Thọ) thay vì Nam Định.
|
Không ít người dùng bối rối với thông tin tên chi nhánh khi chuyển tiền liên ngân hàng.
|
Trong khi ông chủ nhà trọ năm lần bảy lượt dọa đuổi con trai vì đóng chậm tiền nhà thì chị vẫn loay hoay chưa biết cách chuyển tiền cho con. "Tôi kê đúng số tài khoản của con trai, đáng lẽ ra họ phải kiểm tra đối chiếu khi tôi viết tên chi nhánh để hạn chế sai sót và chậm trễ, đằng này lại để mấy ngày sau mới gọi tôi đến nhận lại tiền", chị Nhiệm kể. Theo quy định, khách hàng vẫn phải mất phí dù tiền chuyển nhầm địa chỉ.
Chuyển tiền liên ngân hàng không cần tên chi nhánh
Thay vì chuyển tiền qua số tài khoản như thông thường, khách hàng có thể sử dụng dịch vụ chuyển tiền qua thẻ. Theo đó, người chuyển có thể nhập số thẻ người nhận (số thẻ là 16 hoặc 19 chữ số in ở mặt trước thẻ ATM) trên máy ATM hoặc qua Internet Banking, SMS Banking.
Sau khi nhập, hệ thống sẽ tự động hiển thị tên chủ thẻ và người chuyển không cần nhập tên chi nhánh mở thẻ, tài khoản của người thụ hưởng. Với cách này, tiền dù chuyển liên ngân hàng, vẫn sẽ đến người thụ hưởng chỉ trong vài giây, bất kể là ngày nghỉ, lễ. Bên cạnh đó, chuyển tiền qua thẻ không phân biệt nội tỉnh hay liên tỉnh nên phí dịch vụ là như nhau (từ 5.500 đồng đến 11.000 đồng cho một giao dịch dưới 50 triệu đồng).
Theo Công ty Chuyển mạnh Tài chính quốc gia Việt Nam - Banknetvn (Smartlink trước đây), đến hết tháng 5 đã có 28 ngân hàng triển khai dịch vụ chuyển tiền này.
|
Không riêng những người thu nhập thấp và ít tiếp xúc công nghệ như chị Nhiệm, nhiều khách hàng vốn quen chuyển tiền online (qua Mobile hay Internet Banking) cũng lúng túng khi giao dịch vì những phiền phức ở tên chi nhánh. Khi chuyển tiền, khách phải ghi đầy đủ số tài khoản, tên chủ tài khoản và tên chi nhánh ngân hàng của người thụ hưởng. Trong khi đó, số tài khoản của mỗi cá nhân, dù ở bất kỳ ngân hàng nào, đều là độc nhất vô nhị, không trùng với người khác. Vì vậy, theo nhiều khách hàng và các chuyên gia thanh toán, buộc phải viết hoặc nhập tên chi nhánh là quy định không cần thiết.
Bản thân những người làm ngân hàng cũng cảm thấy bức xúc vì quy định mang tính hình thức và rườm rà này. Tại cuộc bình chọn My EBank do VnExpress tổ chức năm 2014, ông Nguyễn Văn Tuân - khi ấy là Phó tổng giám đốc Vietcombank cũng nêu những khó khăn về yêu cầu khai tên chi nhánh. Theo ông, quy định này là một trong những trở ngại trong phát triển ebank của các đơn vị.
Còn đại diện phụ trách mảng thanh toán của một ngân hàng cổ phần thì phân tích, đây là quy định mang tính lịch sử để lại của hệ thống thanh toán liên ngân hàng. "Tên chi nhánh là khoản mục nhất thiết phải điền, theo quy định, nhưng theo kinh nghiệm của tôi, không buộc phải điền đúng. Ngoại trừ chuyển tiền tại quầy, có thể phải đúng, còn chuyển qua Internet Banking hay Mobile Banking, nếu sai tên chi nhánh nhưng đúng số và tên chủ tài khoản thì giao dịch vẫn bình thường", vị này cho biết.
Một chuyên gia khác trong lĩnh vực thanh toán điện tử cũng cho rằng nên bỏ quy định mang tính kế toán này khi chuyển tiền. Theo ông, tùy thuộc vào "corebanking" (hệ thống phần mềm quản trị) của mỗi nhà băng mà có yêu cầu thông tin này hay không, nhưng phần lớn các đơn vị xây dựng hệ thống hiện nay đều không cần "tên chi nhánh" khi chuyển tiền.
Trao đổi với VnExpress, đại diện Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận phần lớn hệ thống thanh toán được thiết kế từ năm 2002 nên đôi chỗ có phần bất cập. Cơ quan này đang nghiên cứu, xây dựng đề án để chỉnh sửa, hoàn thiện theo hướng giảm tải những phiền nhiễu cho người dùng.
Thanh Thanh Lan