Câu chuyện các nhà đầu tư tư nhân đang chạy đua giành quyền khai thác cảng biển như tại cảng Hải Phòng, Sài Gòn, Quảng Ninh được các đại biểu tranh luận sôi nổi khi Quốc hội cho ý kiến về Bộ luật Hàng hải sáng 22/6.
Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội - Nguyễn Phi Thường nhận xét thay đổi lớn của Bộ luật là tư duy đột phá trong xã hội hóa đầu tư, huy động nguồn vốn tư nhân vào phát triển hạ tầng giao thông thủy. “Đây là xu hướng chung, là thông lệ thế giới đã làm từ lâu và cũng là hướng đi cần thiết nhằm khơi thông dòng chảy tài chính vào đầu tư kết cấu hạ tầng, phục vụ yêu cầu phát triển của Việt Nam”, ông nói.
Vị tiến sĩ giao thông dẫn chứng, nguồn vốn Nhà nước và vốn vay hiện chỉ đáp ứng chưa tới 30% nhu cầu xây dựng hạ tầng hàng hải. Do vậy, chủ trương nhượng quyền khai thác sẽ góp phần thu hút vốn, tạo lập thị trường cạnh tranh về cung cấp dịch vụ, tăng chất lượng cũng như giải quyết tình trạng Nhà nước cứ đuổi theo đầu tư kết cấu hạ tầng mà chẳng bắt kịp nhu cầu.
|
Đại biểu Nguyễn Phi Thường phát biểu tại hội trường Ảnh: Na.gov.vn
|
“Tuy vậy, cảng biển, công trình hạ tầng giao thông không chỉ những khối tài sản lớn mà còn đóng vai trò quan trọng mang tính chiến lược. Cho nên cần sớm hoàn thiện khung pháp lý, tổ chức thực hiện cân bằng lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng dịch vụ và đặc biệt thực hiện công khai, minh bạch. Chỉ có vậy mới triệt tiêu được tiêu cực và lợi ích nhóm”, ông Thường đề nghị.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo, Phó giám đốc Công ty ống thép Việt–Đức lại cho rằng “cần cân nhắc kỹ” chủ trương này. Theo ông Bảo, nếu không làm cẩn thận, rất dễ làm giảm hiệu quả khai thác cảng vì không lựa chọn được nhà đầu tư có đủ năng lực.
“Trong khi đó, nếu giao cho doanh nghiệp Nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty cùng lúc quản lý, khai thác các lĩnh vực về cảng biển, vận tải biển, dẫn đến doanh nghiệp không có đủ khả năng về tài chính đầu tư xây dựng theo quy định”, ông Bảo nói.
Vị này cũng lo ngại, do vừa kinh doanh vận tải biển, vừa quản lý khai thác cảng nên có nguy cơ dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp vận tải biển khác và sử dụng các bến cảng được giao và quản lý khai thác.
Bên cạnh đó, việc giao toàn bộ vùng đất, vùng nước, bến cảng tại ở khu vực đắc địa cho nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp xây dựng, khai thác như hiện nay sẽ làm mất lợi thế sinh ra từ lợi thế vị trí địa lý này và tạo các điều kiện để cảng biển được chuyển cho các nhà đầu tư nước ngoài. “Chúng ta nên hết sức lưu ý khi quyết định xây dựng cảng biển mà chuyển giao toàn bộ cho các doanh nghiệp nước ngoài”, ông Bảo thận trọng.
Tuy nhiên, theo Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội – Thân Đức Nam, nếu bổ sung được các chính sách, quy định cụ thể về việc chuyển nhượng, huy động vốn tư nhân vào trong bộ luật thì sẽ không lo ngại tình trạng nhà đầu tư ngoại trúng thầu hay thiếu minh bạch khi chuyển nhượng.
“Tôi đề nghị cần nghiên cứu bổ sung những quy định chính sách cụ thể của Nhà nước trong việc khuyến khích các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực hàng hải. Chúng ta cũng phải hướng đến Nhà nước không cần tham gia vào các lĩnh vực việc không thực sự cần thiết để nhường đất cho các thành phần kinh tế khác thực hiện nhằm khai thác các tiềm năng của xã hội tham gia đầu tư vào lĩnh vực hàng hải”, vị đại biểu từng là Chủ tịch một doanh nghiệp quốc doanh lớn trong ngành giao thông phát biểu.
“Tôi đồng ý cần bổ sung vào luật cơ chế huy động các lực lượng xã hội tham gia đầu tư vào lĩnh vực hàng hải”, đại biểu Hoàng Thị Hoa đồng tình.
Phó đoàn Bắc Giang cho rằng, thực tế, từ cuối năm 2008 đến nay ngành vận tải biển đã phải đối mặt với nhiều khó khăn do cuộc khủng hoảng tài chính, danh sách các chủ tàu Việt Nam phá sản còn kéo dài. Hầu hết các chủ tàu phải bán bớt các tàu, cắt giảm chi phí, giảm biên chế, hạ lương. “Vì vậy, trong các điều khoản quy định cần bổ sung có các cơ chế nhằm khuyến khích các nhà đâu tư vào lĩnh vực này”, bà Hoa nói.
Chí Hiếu