Sáng 26/5, Quốc hội đã dành phần lớn thời gian thảo luận hội trường về dự thảo Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi). Nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là tính pháp lý của báo cáo kiểm toán và trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho rằng dự thảo luật quy định trách nhiệm của cơ quan này chưa tương xứng với quyền hạn liên quan. “Nhiều trường hợp kiểm toán một đơn vị nhưng mấy hôm sau lãnh đạo đơn vị này bị bắt, hoặc doanh nghiệp "đổ sập" thì không rõ kiểm toán chịu trách nhiệm đến đâu”, ông nói.
|
Đại Biểu Nguyễn Bá Thuyền phát biểu tại hội trường Ảnh: Giang Huy
|
Dẫn câu chuyện ở Lâm Đồng, ông Thuyền kể, năm nào công ty xổ số cũng bị đưa ra kiểm toán, nhưng chỉ đến khi cơ quan công an vào cuộc mới phát hiện sai phạm. “Giả sử công ty bị khởi tố, lãnh đạo bị bắt giam thì cơ quan kiểm toán có là đồng phạm?” ông Thuyền đặt giả thiết và đề nghị phải quy rõ trách nhiệm.
“Nếu không thì kiểm toán đi đến đâu doanh nghiệp sợ đến đó. Quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước lớn phải gắn với trách nhiệm. Người ta làm sai, anh bảo đúng, đến lúc người ta vào tù, anh phải là đồng phạm”.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp - Nguyễn Đình Quyền cũng đồng tình khi dẫn lại câu chuyện tại Vinalines, Vinashin. “Đã có trên 10 đoàn thanh tra, kiểm toán vào làm việc mà không phát hiện thấy gì. Nhưng khi cơ quan công an vào cuộc rồi thì trách nhiệm Kiểm toán đến đâu, như thế nào. Tôi đề nghị luật phải làm rõ điều này”, ông Quyền nói.
Đại biểu Lê Nam tỏ ra thông cảm khi nói rằng ngày trong tố tụng dân sự, hình sự dù đi đúng quy trình mà vẫn thấy oan sai. Vì thế không nên kỳ vọng rằng mọi kết quả kiểm toán đều đúng.
Tuy nhiên, theo Phó đoàn Thanh Hóa, phải có người “ở trên” giúp cơ quan kiểm toán đánh giá xem xét lại. “Nếu bắt buộc thi hành theo kết luận này thì doanh nghiệp có quyền khiếu nại, tố cáo không? Đối với Tổng kiểm toán thì tố cáo với ai, tòa án hay lên Ủy ban thường vụ Quốc hội?”, ông Nam đặt câu hỏi và đề nghị Luật phải giải quyết những chỗ trống này.
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền kiến nghị luật cần quy định rõ các cơ chế của báo cáo kiểm toán trong trường hợp doanh nghiệp, tổ chức có khiếu nại đối với quyết định của Kiểm toán.
Bởi theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Nguyễn Văn Phúc, luật hiện hành quy định báo cáo này có giá trị pháp lý nhưng không có tính bắt buộc, trừ trường hợp cơ quan quản lý có thẩm quyền cấp trên của đơn vị kiểm toán kết luận.
“Tôi đề nghị luật sửa cho phù hợp với chức năng của Kiểm toán Nhà nước. Kiểm toán Nhà nước chỉ có chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị. Báo cáo Kiểm toán có giá trị bắt buộc khi phải trả lời cho cơ quan kiểm toán và cơ quan quản lý cấp trên khi các cơ quan này bắt buộc thực hiện. Nếu không, có nguy cơ “đẻ” ra thêm thủ tục khiếu nại khiếu kiện kết luận”, ông Phúc cảnh báo.
Vị đại biểu thuộc đoàn Hà Tĩnh cũng yêu cầu phân định rõ mối quan hệ giữa Kiểm toán với thanh tra tài chính và thanh tra nhà nước bởi thực tế, đã xảy ra nhiều trường hợp Kiểm toán kết luận rồi nhưng thanh tra vẫn làm, dẫn đến trùng lắp và doanh nghiệp rất kêu ca. “Khi Kiểm toán đã làm và kết luận rồi thì thanh tra không nên vào cuộc nữa, thực chất cũng là việc kiểm tra sử dụng tài sản công, tài chính công trong doanh nghiệp”, ông nói.
Chí Hiếu