Ví, giặm Nghệ Tĩnh vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể. Đây là hai lối hát dân ca do cộng đồng người Nghệ Tĩnh sáng tạo ra từ hàng trăm năm nay, được thực hành trong lao động và đời sống thường nhật như lúc ru con, khi làm ruộng, quay tơ, dệt vải... Các lối hát được gọi tên theo hoạt động như: ví phường cấy, ví phường vải, ví đò đưa, giặm ru, giặm kể, giặm vè...
Như mọi loại hình nghệ thuật phi vật thể khác, ví giặm ngày nay đối diện với những thách thức trước vấn đề bảo tồn, phát triển, nhất là khi các lối hát này tồn tại dưới hình thức truyền khẩu. Nhằm góp phần đưa ví giặm đến với đông đảo người nghe, đêm nhạc Ân tình ví giặm được Hội Cựu học sinh trường Phan Bội Châu (Nghệ An) tổ chức.
|
Một buổi hát ví giặm của Câu lạc bộ UNESCO di sản dân ca xứ Nghệ tại Hà Nội.
|
Chương trình sẽ mang tới các bài dân ca cổ như: Ô lục soạn, Thử lòng chung thuỷ, Phụ tử tình thâm, Ví phường vải, ví phường cấy, ví phường nón, ví đò đưa, hát bần ghẹo... Bên cạnh đó, một số ca khúc sáng tác có ảnh hưởng từ những làn điệu ví giặm nổi tiếng của các nhạc sĩ đương đại như An Thuyên, Trần Hoàn, Nguyễn Tài Tuệ... cũng sẽ được giới thiệu.
Tham gia biểu diễn trong chương trình chủ yếu là các nghệ nhân từ các câu lạc bộ ví giặm ở Thanh Chương (Nghệ An), Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Trong đó có nghệ nhân Khánh Cẩm gần 80 tuổi với bài giặm cổ Kỳ Anh Ô lục soạn và bé Thanh Xuân với bài Công cha nghĩa mẹ ơn thầy... Đêm nhạc còn có sự góp mặt của các ca sĩ như Thành Lê, Đăng Thuật, Lê Mận, Vành Khuyên…
Nhạc sĩ An Thuyên đảm nhiệm vai trò tổng đạo diễn, nhạc sĩ An Ninh và NSND Hồng Lựu đảm nhận viết kịch bản cho chương trình. Các nghệ sĩ đều tham gia biểu diễn miễn phí trong đêm nhạc. Toàn bộ số tiền bán vé và tiền quyên góp từ khán giả sẽ được sử dụng để hỗ trợ cho các nghệ nhân ví giặm.
Hoàng Hải