Theo báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm, lượng điện sản xuất và mua ước đạt 76 tỷ kWh, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, điện mua của Trung Quốc đạt 711 triệu kWh, giảm 37% so với cùng kỳ.
Việc nhập khẩu điện Trung Quốc giảm diễn ra trong bối cảnh Việt Nam có kế hoạch hạn chế phụ thuộc vào điện mua từ nước ngoài. Trả lời báo chí cuối năm ngoái, ông Đinh Quang Tri - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay nếu như năm 2010 Việt Nam mua tới 5,6 tỷ kWh điện từ Trung Quốc thì năm 2015 ước tính chỉ nhập khoảng 1,8 tỷ kWh.
Lãnh đạo EVN cho rằng việc mua điện của nước ngoài nhiều khi là "bất khả kháng" vì để xây dựng một nhà máy điện cần rất nhiều thời gian, trong khi mạng lưới điện áp cần ổn định, đảm bảo. Tuy nhiên, khi có đường điện mới, Việt Nam có thể không cần dùng điện của Trung Quốc.
|
Tổ máy số một Nhiệt điện Mông Dương 1 đã đi vào vận hành thương mại. Ảnh: Lisemco
|
Đầu năm nay, tổ máy số một của nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 (Cẩm Phả, Quảng Ninh) công suất 540 MW đã chính thức vận hành thương mại. Tổ máy số 2 dự kiến sẽ hoàn thành tháng 10/2015. Sau khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ cung cấp khoảng 5,8 tỷ kWh mỗi năm, góp phần ổn định điện năng cho khu vực Đông Bắc, nơi có các tỉnh tiếp giáp với Trung Quốc.
Tháng 6 tiếp tục là cao điểm nắng nóng nên điện thương phẩm tiếp tục tăng cao, đưa sản lượng điện bán ra 6 tháng đầu năm ước đạt 68 tỷ kWh, tăng 11% so với cùng kỳ. Trong đó, điện cấp phục vụ công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng hơn một nửa, tăng 11%; tiêu dùng dân cư chiếm 35%, tăng gần 10%; điện cho thương nghiệp và khách sạn nhà hàng tăng 19%, nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 22%.
Nhu cầu sử dụng điện cao cũng kéo theo chỉ số sản xuất của ngành tăng cao nhất trong nhóm ngành công nghiệp, đạt 11,2% trong nửa đầu năm, so với mức 10,9% của cùng kỳ năm trước.
Phương Linh