Tính chung tháng này, giá dầu tại Mỹ đã giảm 13%.
Giá dầu xuống đáy mới trong phiên giao dịch châu Á do nhà đầu tư lo lắng Trung Quốc tăng trưởng chậm lại sẽ kéo theo nhiều nước khác trong khu vực, làm giảm tiêu thụ năng lượng và nguyên liệu thô.
"Tin tức về nguồn cung vẫn đang thống trị thị trường. Mối lo dầu mỏ từ Iran cũng ngày càng tăng, khi Bộ trưởng Dầu mỏ nước này khẳng định họ có kế hoạch tăng sản xuất bằng mọi giá", ANZ nhận xét.
|
Dầu thô liên tục chịu sức ép giảm do dư cung và cầu yếu. Ảnh: Reuters
|
Hôm qua, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran - Bijan Zanganeh cho biết việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tổ chức họp khẩn có thể sẽ "có tác dụng" trong việc bình ổn giá dầu. Algeria đầu tháng này cũng kêu gọi tương tự, nhưng các nước khác trong OPEC cho biết chưa có kế hoạch họp bàn.
Ngoài dầu, các thị trường khác cũng đang biến động mạnh. Cổ phiếu châu Á liên tục lập đáy sáng nay, với chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh nhất 8 năm và chứng khoán Nhật Bản cũng mất điểm mạnh nhất từ 2013. Trong khi đó, các công cụ trú ẩn, như trái phiếu chính phủ hay yen Nhật lại tăng giá mạnh.
Rouble Nga đã xuống thấp nhất từ đầu năm so với USD, hiện là 70,92 rouble đổi một USD. Hai chỉ số chứng khoán RTS và Micex cũng mất lần lượt 4,21% và 1,76% khi mở cửa chiều nay.
Chứng khoán châu Âu mở cửa cũng không thoát đà bán tháo toàn cầu. Đến 3h chiều (giờ Hà Nội), FTSE 100 trên sàn London mất 2,26%, DAX (Đức) mất 2,18% và CAC 40 (Pháp) giảm 2,2%.
"Thế giới đang tiến tới một tháng 9 đầy bất ổn. Với thị trường dầu, các yếu tố tiêu cực là nhu cầu tại Trung Quốc, các hãng sản xuất dầu đá phiến Mỹ tăng cường hoạt động và nhu cầu thế giới lại xuống thấp theo đúng chu kỳ hàng năm", BMI Research thuộc Fitch Ratings nhận xét.
Hà Thu (theo AFP/Reuters)