Dù vậy, mở cửa phiên sáng nay, giá lại giảm nhẹ xuống 1.162 USD một ounce lúc 8h (giờ Hà Nội). Giá này tương đương 31,29 triệu đồng một lượng (chưa thuế, phí). Thị trường vàng miếng trong nước cuối tuần trước chốt tại 33,71-33,96 triệu đồng.
Hôm 24/10, giá vượt mốc trung bình trượt 200 ngày sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc bất ngờ hạ lãi suất. Tuy nhiên, đà tăng này không duy trì được lâu khi thị trường chứng khoán Mỹ mở cửa. Chốt tuần, giá giảm 1,2%, chấm dứt 2 tuần tăng liên tiếp.
|
Kỳ vọng vào làn sóng nới lỏng có thể kéo giá vàng tuần này đi lên.
|
Dù vậy, phần lớn chuyên gia phân tích kỹ thuật, giám đốc ngân hàng, nhà đầu tư tham gia khảo sát của Kitco đều lạc quan vào xu hướng giá tuần này. 44% dự báo giá tăng, 33% cho rằng thị trường sẽ đi xuống và 22% đặt cược giá đi ngang.
Động thái của Trung Quốc đã tạo ra tâm lý trái chiều trên thị trường. Chỉ trước đó một ngày, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tuyên bố để ngỏ khả năng nới lỏng thêm nữa, thậm chí đưa lãi suất tiền gửi về âm trong tháng 12. Một số nhận định Trung Quốc chỉ là sự khởi đầu của làn sóng kích thích mới trên toàn cầu.
“Rõ ràng chính sách tiền tệ trên thế giới sẽ tiếp tục được nới lỏng và điều này có lợi cho vàng. Thị trường từng lo ngại khả năng FED nâng lãi suất, nhưng việc này mãi vẫn chưa xảy ra”, Adrian Day - Chủ tịch Adrian Day Asset Management cho biết.
Jessica Fung - nhà phân tích tại BMO Capital Markets cũng cho rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đang mất dần sức ảnh hưởng trên thị trường. Bà nhận định khi cơ quan này được dự báo không điều chỉnh lãi suất trong phiên họp tuần này, sự tập trung sẽ dồn vào Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ). Và nhiều khả năng BOJ sẽ tung thêm kích thích.
“Kể cả nếu FED ra tín hiệu tăng lãi suất năm nay hay đầu năm tới, nhà đầu tư cũng sẽ mua vàng bằng các tiền tệ khác, ngoài USD. Đây là yếu tố có lợi cho thị trường”, bà kết luận.
Hà Thu