Thông điệp trên được lãnh đạo ngành giao thông đưa ra trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tối 28/6.
Gửi câu hỏi về chương trình, một thương nhân thường xuyên bay tuyến Hà Nội đi Phú Quốc lo lắng khi tư nhân quản lý sân bay này có thể tự ý nâng giá dịch vụ hàng không và từ đó các hãng hàng không sẽ tăng giá vé. Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, quản lý Nhà nước trong đó có an ninh quốc phòng, quản lý bay, quản lý giá tại sân bay này “không có sự thay đổi”.
Theo Bộ trưởng, dù là nhà đầu tư nào đi nữa thì toàn bộ giá cả sẽ được quản lý theo khung giá quy định, cả dịch vụ hàng không và phi hàng không.
“Tóm lại, việc chuyển nhượng này đảm bảo không dẫn đến thất thoát, không để một nhà đầu tư có thể chi phối giá cả dịch vụ hàng không và phi hàng không”, ông Thăng nhấn mạnh.
|
Cuộc chạy đua giành quyền khai thác sân bay Phú Quốc đang là "cuộc đấu" của hai ông chủ tư nhân: Bầu Hiển và Johnathan Hạnh Nguyễn
|
Trả lời câu hỏi của một cựu chiến binh về khả năng ảnh hưởng đến vấn đề an ninh quốc phòng khi “bán” cho tư nhân, Bộ trưởng giải thích, hình thức Bộ Giao thông trình Thủ tướng xin thí điểm không phải là “bán” mà là “nhượng quyền khai thác kết cấu hạ tầng hàng không trong một thời gian nhất định”.
Người đứng đầu ngành giao thông cho hay đây là hình thức được nhiều nước trong khu vực cũng như trên thế giới áp dụng trong lĩnh vực hàng không.
“Việc nhượng quyền khai thác hạng mục nào, sân bay nào đều phải lấy mục tiêu đảm bảo an ninh quốc phòng và toàn vẹn lãnh thổ làm tiêu chí quyết định. Chúng tôi đưa ra 6 nguyên tắc mà việc nhượng quyền phải tuân thủ, trong đó có những nguyên tắc nhằm mục đích đảm bảo an ninh quốc phòng”, Bộ trưởng trấn an.
Dẫu vậy, ông Thăng thừa nhận, do đây là vấn đề nhạy cảm nên phải làm hết sức thận trọng, làm thí điểm, có tổng kết đánh giá. Khi có kết quả rồi mới nhân rộng nhưng cũng phải có lộ trình và đặc biệt là phải đảm bảo vai trò quản lý của Nhà nước, đảm bảo an ninh an toàn hàng không, không chuyển nhượng quyền sở hữu hạ tầng, quyền sở hữu đất.
Hồi tháng 3, Bộ Giao thông Vận tải đã kiến nghị Thủ tướng nhượng quyền khai thác cảng hàng không Phú Quốc theo hình thức hợp đồng Kinh doanh - Quản lý (hợp đồng O&M).
Theo quy định hiện hành, đây là hợp đồng được ký giữa Nhà nước và nhà đầu tư để kinh doanh một phần hoặc toàn bộ công trình trong một thời gian nhất định.
Đến nay, cuộc đua giành quyền khai thác sân bay quốc tế tại Kiên Giang là cuộc canh tranh tay đôi giữa hai ông chủ tập đoàn tư nhân - ông Đỗ Quang Hiển của Tập đoàn T&T và Công ty Liên Thái Bình Dương của ông Johnathan Hạnh Nguyễn.
T. Đức