"Hạn sử dụng thường được hiểu và áp dụng cho một số mặt hàng đặc thù được sản xuất từ các hợp chất hữu cơ, sẽ bị phân huỷ hoặc chịu tác dụng oxy hoá bởi nhiệt độ hoặc ánh sáng mặt trời như thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, hoá chất...
Còn những mặt hàng điện tử, xe máy, ôtô... các nhà sản xuất trên thế giới hoàn toàn không có qui định hạn sử dụng. Thông thường người ta chỉ ngừng sản xuất một dòng nào đó theo thời gian phát triển của sản phẩm mới. Ví dụ một cái tivi thì lịch sử tồn tại của nó là hàng trăm năm, làm sao mà thu hồi?", độc giả Thành thắc mắc.
Theo quyết định ban hành ngày 22/5 về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ, những sản phẩm trong diện bắt buộc phải thu hồi khi hết hạn sử dụng gồm: ắc quy và pin các loại, máy giặt, điều hòa, tủ lạnh, máy tính, điện thoại di động, dầu nhớt, săm, lốp.
Theo lộ trình, những sản phẩm này bị thu hồi vào tháng 7/2015, tuy nhiên chính phủ đã xem xét thực tiễn và lùi thời hạn một năm. Riêng ôtô, xe máy hết hạn sử dụng sẽ bị thu hồi vào tháng 1/2018.
VnExpress đã nhận được hàng trăm ý kiến của độc giả tranh luận về tính khả thi của vấn đề này.
Nhiều người chia sẻ, chủ trương thu hồi những sản phẩm hết hạn sử dụng trong hoàn cảnh đất nước đang khó khăn, dân còn nghèo mà phương tiện thì đắt đỏ là không thể.
"Nhà tôi từ xe máy đến tivi, tủ lạnh... tất cả cái gì cũng cũ. Nếu thu kiểu này thì ngôi nhà trở thành vườn không nhà trống", bạn đọc nickname Loxa bình luận.
"Người nghèo cả đời có được mỗi chiếc xe kiếm sống, giờ bảo thu hồi thì họ sống bằng gì. Dân chỉ có mỗi lớp người khá giả vậy người nghèo, tầng lớp lao động thấp thì phải làm sao?", độc giả Trần Minh Ngọc nhận xét.
Tuy nhiên nhiều ý kiến khác cho rằng nếu thực hiện quy định thì chỉ nên áp dụng với ôtô và xe máy. Vì những chiếc xe cũ là mầm hoạ của các vụ tai nạn giao thông và gây ô nhiễm môi trường.
"Những chiếc xe cũ kỹ, không đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật để lưu thông trên đường như: Xe máy "mù", ôtô quá cũ, hết hạn sử dụng dẫn đến mất lái gây tai nạn, ô nhiễm môi trường thì cần phải thu hồi ngay", độc giả Đại chia sẻ.
"Các bạn hãy đọc kỹ và đừng hiểu sai mục đích của dự luật này. Việc thu hồi không phải là cưỡng chế. Bạn muốn vứt bỏ một thứ đồ thuộc diện luật quy định, bạn phải đem tới những điểm thu hồi loại đồ đó. Các nhà sản xuất phải có trách nhiệm nhận lại các đồ bị thải loại.
Bạn muốn giữ lại đồ cũ, không ai cấm bạn cả. Riêng phương tiện giao thông, không có đăng kiểm thì không được lưu thông. Cách làm này các nước phát triển họ đã làm từ lâu để bảo vệ môi trường", bạn đọc Hoa Tiêu phân tích.
Nhưng để thực hiện được điều này thì cần có chính sách khuyến khích hỗ trợ chi phí cho người dân mua xe mới.
"Chiếc xe là đôi chân, cần câu cơm của người dân, nếu thu kiểu này thì dân lấy tiền đâu mua xe mới đi làm. Khi đó người dân đã nghèo thì lại càng khổ hơn", độc giả có nickname You Go Ahead góp ý.
"Tôi đoán 70% những người đi xe hết hạn sử dụng là nghèo khó. Bởi nghèo họ không có tiền mua xe xịn mới phải đi xe cũ. Nếu thu hồi vậy mà không có hỗ trợ gì thì sẽ ảnh hưởng đến chén cơm của họ", bạn đọc Châu nói.
Còn việc thu hồi các vật dụng cá nhân trong gia đình như: Tivi, tủ lạnh, máy tính, điện thoại... là không khả thi. "Làm thể nào để tôi kiểm tra được những đồ đó là hết hạn sử dụng, trong khi nhà sản xuất không ghi? Hơn nữa, chúng vẫn đang còn chạy tốt tại sao lại thu hồi?", bạn đọc Trần Hải nói.
"Tôi đang có chiếc tivi được sản xuất năm 1995, mua về năm 1998. Đến nay 20 năm vẫn còn chạy tốt, không biết hạn sử dụng đến khi nào?", độc giả Bùi Tiến thắc mắc.
"Vấn đề ở đây là chính phủ quy định như thế nào là hết hạn sử dụng? Tính từ ngày sản xuất hay tính từ tỉ lệ % giá trị còn sử dụng được? Vì tôi có những chiếc xe sản xuất thập niên 60, 70 nhưng còn rất mới và được người chơi xe cổ sưu tầm, vậy có được cho là xe hết hạn sử dụng không?", độc giả nickname Quỷ Nhỏ chia sẻ.
Để thực hiện được quy định này, bạn đọc Vũ Ngọc Tỉnh góp ý: "Chính phủ phải đưa ra được những chính sách thực hiện sao cho hợp lòng dân và đạt được mục tiêu. Cụ thể như: Kiểm tra, kiểm định chất lượng sản phẩm định thu hồi như thế nào? Việc đền bù, thu mua sản phẩm bị thu hồi ra sao? Nếu sản phẩm có thể nâng cấp, tu sửa thì nên giải thích và khuyến khích người dân đi sửa chữa tránh gây ảnh hưởng môi trường, cháy, nổ và các nguy cơ khác. Làm rõ được vậy thì người dân sẽ ủng hộ".
Trần Hưng tổng hợTheo: www.vnexpress.net