Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh nhận định như vậy tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương sáng 29/6. Theo đó, sản lượng khai thác dầu thô trong nước đạt 8,38 triệu tấn, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Nếu theo đúng kế hoạch, Việt Nam sẽ chỉ khai thác hơn 6 triệu tấn dầu trong thời gian còn lại của năm. Điều này có thể ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. “Cho nên phải nâng sản lượng khai thác lên cao hơn năm 2014 thì mới đạt chỉ tiêu tăng trưởng 6,2% cho năm 2015”, ông Vinh khuyến cáo.
Chủ trì cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng tinh thần chung của 6 tháng cuối năm là phải tăng trưởng bằng hoặc cao hơn con số 6,28% vừa qua, song đặt vấn đề khai thác dầu như thế nào cần được thảo luận thêm.
|
Thủ tướng lưu ý vấn đề tăng khai thác dầu thô để đảm bảo tăng trưởng GDP cần được thảo luận kỹ.
|
Bộ trưởng Công Thương - Vũ Huy Hoàng cho hay kế hoạch khai thác 14,74 triệu tấn cho năm nay được xây dựng vào tháng 9 năm ngoái, khi mà giá thế giới vẫn ở mức cao. Tính toán khi đó cho thấy khai thác mức này có thể giúp GDP 2015 tăng tưởng đạt 6,2%.
“Nhưng đến quý IV/2014 và đầu năm 2015, giá dầu giảm gần một nửa, nếu giữ sản lượng như cũ thì sẽ ảnh hưởng đến chỉ tiêu tăng trưởng. Do đó, chúng tôi đã chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí tăng khai thác trong 6 tháng, đạt 56,8% kế hoạch năm”, ông Hoàng nói.
Ông Hoàng cho biết có thể tăng sản lượng khai thác thêm một triệu tấn trong 6 tháng cuối năm, thay vì mức 6 triệu tấn theo kế hoạch cũ. Nhờ vậy tổng sản lượng khai thác cả năm sẽ là 15,74 triệu tấn, cao hơn năm ngoái 140.000 tấn. “Căn cứ khả năng thực tế, số khai thác có thể còn tăng hơn con số một triệu tấn một chút”, Bộ trưởng Hoàng nói thêm.
Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhận xét “có nhiều tín hiệu lạc quan, kinh tế vĩ mô tiếp tục phát triển ổn định”. Theo đó, GDP tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ 5 năm trước.
"Tốc độ tăng trưởng GDP Quý II và 6 tháng đầu năm đạt cao cho thấy, mặc dù tình hình thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục xu hướng phục hồi và đang lấy lại đà tăng trưởng cao", ông Vinh nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Vinh, các khu vực kinh tế như công nghiệp, xây dựng, nông, lâm nghiệp và thủy sản đều có được mức tăng trưởng tốt. Nhưng ở khu vực dịch vụ, một số ngành vẫn gặp khó khăn với mức tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ. Đặc biệt là khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục giảm sút so với cùng kỳ năm trước (giảm 11,3%)...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, kinh tế - xã hội 6 tháng đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng vẫn bộc lộ một số yếu kém. Thủ tướng yêu cầu “tìm mọi giải pháp để đạt cao hơn cái chúng ta đã đạt được trong 6 tháng đầu năm”.
Thủ tướng chỉ đạo cần tiếp tục đẩy mạnh cải tạo môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia qua việc cải cách thủ tục hành chính. Phải rà soát, loại bỏ các thủ tục không cần thiết, không còn phù hợp, đồng thời đưa công nghệ thông tin vào để quản lý, đề cao trách nhiệm cá nhân, cơ qua quản lý.
Liên quan đến công tác cải cách hành chính Bộ trưởng Nội vụ - Nguyễn Thái Bình cho hay, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức. Đây là cơ sở pháp lý để đổi mới phương thức đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ.
Cũng theo Bộ trưởng, đến nay đã có 13 Bộ, ngành và 34 tỉnh, thành phố hoàn thành việc xác định danh mục vị trí việc làm gửi Bộ Nội vụ thẩm định. Đã có 88 ngạch công chức chuyên ngành thuộc 17 ngành, lĩnh vực được Bộ Nội vụ ban hành và sử dụng trong công tác quản lý công chức.
Qua thí điểm thi tuyển lãnh đạo tại một số bộ, ngành, địa phương, ngày 26/5, Bộ Chính trị đã có Thông báo kết luận về Đề án "Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng", cơ bản đồng ý với nội dung và giao các cơ quan chức năng hoàn thiện để tổ chức, thực hiện. |
Chí Hiếu - Võ Hải