Vài ngày sau đợt giảm thứ 5 liên tiếp của giá xăng dầu, đại diện hãng taxi Nguyên Minh (Hà Nội) cho biết đơn vị này đang tính toán lại chi phí và xem xét khả năng giảm cước. Mức giảm dự kiến được đưa ra là khoảng 500 đồng trên mỗi km. Cuối tháng 5 năm nay, khi giá xăng lên gần 20.000 đồng một lít, hãng đã tăng cước 400 đồng lên mức 9.800-11.800 đồng mỗi km và duy trì từ đó đến nay.
Tổng giám đốc taxi Mai Linh khu vực Đông Bắc Bộ - Hồ Chương cho biết hãng đã thống nhất giảm 3-5% cước, tương đương 500-800 đồng cho tất cả 3.000 đầu xe tại các địa phương miền Bắc từ đầu tuần tới. "Không giảm cũng không được vì giá cao khách hàng có quyền lựa chọn thương hiệu khác, khi mà hiện nay xe dù, xe dịch vụ với giá thỏa thuận đang cạnh tranh với taxi chính hãng", ông bày tỏ.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội - Đỗ Quốc Bình, những đơn vị đang tính toán giảm giá sau đợt điều chỉnh giá xăng ngày 3/9 như Nguyên Minh hay Mai Linh chỉ chiếm khoảng 30% tổng số thành viên của hiệp hội (khoảng 100 hãng). Số còn lại chưa có ý định điều chỉnh với lý do khi giá xăng tăng mạnh vào quý II, các đơn vị này đều không tăng cước.
|
Các hãng cho biết giá xăng phải giảm thêm 2.000 đồng nữa mới có đợt điều chỉnh cước đồng loạt.
|
Với số lượng hơn 300 xe chạy khu vực Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh, giá cước mà Công ty cổ phần vận tải, thương mại và dịch vụ Đất Cảng (Hải Phòng) đang tính là trên 11.000 đồng mỗi km. Theo Giám đốc Khúc Hữu Thanh Hải, đây mức được doanh nghiệp duy trì từ tháng 2 đến nay. Khi đó, giá xăng RON 92 là 15.670 đồng mỗi lít và từng có lúc lên tới 21.000 đồng.
"Dù tháng qua xăng liên tục giảm và hiện nay là hơn 17.300 đồng một lít thì vẫn cao hơn khoảng 2.000 đồng so với thời điểm doanh nghiệp tính giá hồi đầu tháng 2. Như vậy xăng phải giảm tương đương mức chênh lệch thì chúng tôi mới có thể giảm giá cước", vị này tính toán. Ngoài ra, lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng còn phải tính toán thêm những tác động khác như tỷ giá, khiến việc đầu tư phương tiện cao hơn 4-6%, phụ tùng vật tư thay thế cũng tăng tương ứng 5-10%...
Ông Đoàn Thế Xuyên - Giám đốc Công ty TNHH Phúc Xuyên (Quảng Ninh) - cho biết trong khi mặt chung cước taxi cả nước từ 11.000-13.000 đồng mỗi km, thì giá cước của hãng đang khá rẻ (9.000 đồng). Mức này cũng vừa được doanh nghiệp giảm hồi đầu tháng 8. Do đó, hiện công ty cũng chưa có ý định giảm tiếp mà chỉ nghe ngóng thị trường.
Là doanh nghiệp hoạt động trên nhiều loại hình vận tải khác nhau, vị Giám đốc này cho rằng xăng dầu không phải chi phí lớn nhất mà doanh nghiệp phải chịu. Cụ thể với taxi, tiền xăng chiếm 22%, đối với xe bus và xe khách đường dài là 40-42%. Trong các chi phí, lương nhân công ngày càng cao, vật tư phụ tùng cũng tăng nên giá xăng dầu giảm không phải là yếu tố quyết định doanh nghiệp có giảm giá ngay được hay không.
Một lý do khác được doanh nghiệp đưa ra cho việc chần chừ giảm cước là diễn biến giá xăng thường quá nhanh so với chu kỳ điều chỉnh của họ. Theo đại diện Taxi Nguyên Minh, mỗi lần điều chỉnh giá cước thì thời gian để hoàn thành các thủ tục xin phép, kiểm định, cài đặt hệ thống đồng hồ ít nhất 10-12 ngày. "Có khi vừa thay bảng giá mới thì xăng lại biến động chiều ngược lại. Vì vậy, ngay cả lúc điều chỉnh tăng, doanh nghiệp cũng phải dè dặt chứ không có chuyện té nước theo mưa”, ông nói.
Tương tự taxi, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội - Nguyễn Hồng Minh - cho rằng chu kỳ tính còn 15 ngày khiến các hãng vận tải đường dài đuổi không kịp với diễn biến giá xăng dầu, nhất là khi thị trường biến động bất thường như từ đầu năm đến nay. Do vậy, ngay cả khi giá xăng tăng gần 2.000 mỗi lít hồi tháng 5, nhiều doanh nghiệp vẫn không tăng giá cước vì vẫn ngóng một chu kỳ giá ổn định rồi mới điều chỉnh. Hiện Hiệp hội đang kiến nghị Nhà nước thay đổi cách điều hành xăng dầu theo hướng phải kéo dài chu kỳ tính giá để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Chia sẻ vấn đề chi phí, thời gian khi thay đổi giá, nhất là với taxi, song theo Tổng giám đốc Mai Linh Đông Bắc Bộ, vấn đề chờ đợi thủ tục chỉ đúng với những lần điều chỉnh tăng giá. Riêng với những lần giảm, doanh nghiệp chỉ cần gửi báo cáo, kể cả cơ quan chức năng chưa có ý kiến doanh nghiệp vẫn có thể tự thực hiện trước. "Lý do trì hoãn giá cước vì mất thời gian xin phép, thủ tục hành chính rườm ra... chỉ là viện cớ của một số hãng", ông thẳng thắn cho biết.
Trong số các hãng vận tải, khảo sát cho thấy chỉ có một số đơn vị chuyên chạy dịch vụ đường dài, hoặc xe hợp đồng có thể "nhanh nhẹn" trong việc điều chỉnh cước theo giá nguyên liệu. Bà Nguyễn Thị Hòa, Giám đốc công ty du lịch lữ hành Hưng Long, đơn vị có khoảng 20 đầu xe chạy hợp đồng chuyên các tuyến du lịch miền Trung cho biết giá cước của doanh nghiệp sẽ giảm hơn 10% từ đầu tháng 9.
Dẫn ví dụ từ chặng Hà Nội - Đồng Hới (Quảng Bình), vị này cho biết trung bình mỗi vé giường nằm trước đây có giá 230.000 thì nay chỉ còn 200.000 đồng. "Nếu so với các hãng cùng tuyến hay xe khách cố định có lộ trình tương tự thì mức giảm 30.000 đồng mà công ty đưa ra là con số cạnh tranh", bà Hòa cho hay.
Trao đổi với VnExpress, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cũng xác nhận có nhiều hãng vận tải thông báo sẽ giảm giá cước, song chủ yếu là xe hợp đồng. Do loại hình kinh doanh này không phải niêm yết giá cước nên dư luận ít thấy.
Về việc các doanh nghiệp chây ỳ, không hạ giá, lãnh đạo Bộ khẳng định sau khi có báo cáo từ các địa phương về rà soát việc kê khai giá, nếu phát hiện các điểm bất hợp lý thì cơ quan quản lý sẽ lập các tổ liên ngành để thanh tra và mạnh tay xử lý.
Trước đó, để ngăn doanh nghiệp không giảm cước theo diễn biến giá xăng, Bộ Giao thông Vận tải có văn bản yêu cầu cơ quan quản lý địa phương kiểm tra, giám sát việc kê khai và niêm yết của các doanh nghiệp vận tải và báo cáo kết quả kiểm tra, thực hiện trước ngày 30/9. Theo cơ quan quản lý, gần đây, giá nhiên liệu liên tục được điều chỉnh giảm rõ rệt nên các doanh nghiệp cần nghiêm túc tính toán, kê khai giá phù hợp để kéo giảm chi phí vận tải hàng hóa.
Thành Tâm - Chí Hiếu