Trong bài viết mới đây, Wall Street Journal cho rằng thế giới cần học tập Việt Nam trong việc đưa hàng triệu người vào kỷ nguyên số hóa, bỏ qua phương thức kết nối mạng cố định.
Tờ báo này dẫn số liệu thống kê cho thấy cứ 3 người Việt Nam thì một đang sử dụng điện thoại thông minh, thiết bị góp phần thúc đẩy mức tăng trưởng tốc độ phổ cập Internet lên 44%, từ mức 12% cách đây một thập kỷ. Đây là nhân tố góp phần thúc đẩy hàng loạt dịch vụ trực tuyến phát triển, đặc biệt là thương mại điện tử trên nền tảng di động. Chính phủ Việt Nam kỳ vọng thị trường thương mại điện tử sẽ có doanh thu 4 tỷ USD trong năm nay so với mức 700 triệu USD vào năm 2012.
|
Việt Nam là một trong số thị trường có tốc độ tăng trưởng người dùng thương mại điện tử cao nhất thế giới. Ảnh: Channel News Asia
|
Hằng ngày, những nhân viên mặc đồng phục bắt mắt của các công ty thương mại điện tử chạy xe máy len lỏi trên những tuyến phố Việt Nam để giao đủ loại mặt hàng từ giày nữ, quần áo nam cho tới thiết bị nhà bếp. Nhiều mặt hàng được giao tới các văn phòng, nơi các nhân viên tranh thủ thời gian rảnh để đặt mua hàng ngay trên điện thoại thông minh từ các trang web như Lazada hay Hotdeal. Chỉ vài năm trước, phương thức kinh doanh này rất khó phát triển bởi dịch vụ mạng cố định khá tốn thời gian và gặp nhiều khó khăn khi lắp đặt tại khu vực xa trung tâm.
Chính phủ Việt Nam cho biết cước 3G thuộc diện rẻ nhất trên thế giới, chỉ trên 3 USD mỗi GB. Sóng 3G cũng được phủ gần khắp toàn quốc. Kết quả một cuộc thăm dò của Nielsen cho thấy người Việt nghiền xem phim trên di động nhất thế giới. Hãng We Are Social tính toán số tài khoản mạng xã hội được sử dụng thường xuyên trên di động tại Việt Nam tính đến tháng 1/2015 tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái, nhanh hơn Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil.
Tính đến quý I/2015, có 30 triệu người sử dụng Facebook thường xuyên, tăng từ mức 8,5 triệu vào năm 2012, đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất của mạng xã hội này. Một số bộ trưởng cũng mở trang Facebook cá nhân nhằm tiện theo tiếp cận với nhiều người dân.
Người sử dụng thiết bị di động thường quan tâm tới những đoạn phim ngắn gọn và dễ chia sẻ. Thói quen này là nhân tố khiến các hãng âm nhạc giải trí như Yan thay đổi để thích nghi. Trong những năm gần đây, Yan đã có những chương trình truyền hình được phát trên mạng truyền hình cáp tới khoảng 5 triệu hộ gia đình, các quán cafe và bar ở TP HCM. Công ty này cũng quản lý nghệ sĩ và tổ chức các chương trình ca nhạc và sự kiện. Ngoài ra, hãng còn phát những đoạn video phỏng vấn người nổi tiếng trên Internet trước khi lên truyền hình và tổ chức một chương trình dành cho tuổi mới lớn trên trang YouTube.
Chia sẻ với Wall Street Journal, Giám đốc Yan nhận định việc thay đổi phương thức trình bày nhằm phù hợp hơn với các nền tảng, đặc biệt là di động, chính là trọng tâm của hãng. Còn nhà sáng lập Jonny Võ khẳng định “mọi việc đều có thể” với sự bùng nổ di động
Mặc dù sự phát triển Internet khiến cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn, nó cũng tạo ra những người hùng mới. Ví dụ như anh nông dân Nguyễn Đức Hậu, người có biệt danh Lệ Rơi, trở nên nổi tiếng như diễn viên truyền hình qua những đoạn phim ngắn trên YouTube hay Vlogger JVEvermind với 1,5 triệu người theo dõi trên YouTube nhờ kết nối các đoạn phim của mình thông qua Facebook, Twitter, Google+ và Instagram.
Theo dự báo của Media Partners Asia, tổng doanh thu quảng cáo ở Việt Nam sẽ đạt mức 1,2 tỷ USD vào năm 2017, gần gấp đôi so với vài năm trước đây.
Đức Anh (Theo Wall Street Journal)