EIU dự báo trong 35 năm tới, Mexico và Indonesia sẽ thế chỗ Nga và Italy trong top 10 nước có GDP lớn nhất thế giới. Cũng theo tổ chức này, từ năm 2026, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ về GDP danh nghĩa.
Cả Ấn Độ và Trung Quốc sẽ giàu hơn 5 quốc gia đứng sau cộng lại, gồm Indonesia, Đức, Nhật, Brazil và Anh. Theo EIU, đây là "sự cách biệt có một không hai trong lịch sử về tài sản với các nước còn lại trong top 10".
|
Trung Quốc được dự báo vượt Mỹ trong 10 năm tới. Ảnh: Bloomberg
|
Về thu nhập bình quân, Trung Quốc được dự báo bắt kịp Nhật Bản năm 2050 và bằng 50% Mỹ, trong khi năm ngoái chỉ bằng 14%. EIU dự báo sức chi tiêu của Ấn Độ sẽ tăng lên, bằng khoảng 24% Mỹ, từ mức 3% hiện nay. Năm 2050, châu Á sẽ chiếm 53% GDP toàn cầu, khiến tỷ lệ này của châu Âu giảm.
Tại châu Phi và Trung Đông, dân số trong độ tuổi lao động sẽ tăng. Trong khi, lực lượng lao động của châu Âu và Đông Á sẽ giảm mạnh. Đặc biệt, lực lượng lao động của Nhật Bản sụt giảm mạnh nhất với hơn 25% do tình trạng già hóa dân số. Trung Quốc và Hàn Quốc có thể mất 17-18% dân số trong độ tuổi lao động. Còn Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Đức được dự đoán sẽ mất khoảng 20%.
Sức mạnh kinh tế của hai cường quốc châu Á tăng lên sẽ đi liền với quyền lực chính trị lớn hơn. "Với sức mạnh kinh tế của mình, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu như: biến đổi khí hậu, an ninh quốc tế và quản trị kinh tế thế giới. Trong trung hạn, việc này đòi hỏi các cường quốc thế giới hiện tại - điển hình là Mỹ - để cho Ấn Độ và đặc biệt là Trung Quốc, đóng vai trò lớn hơn trên sân chơi toàn cầu, đồng thời khiến các tổ chức quốc tế cho phép hai nước này có tầm ảnh hưởng hơn", EIU nhận định.
Thanh Tuyền (theo Bloomberg)