Một quan chức cấp cao của Ấn Độ tiết lộ với Wall Street Journal rằng nước này sẽ trở thành cổ đông lớn thứ hai tại Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), dự kiến hoạt động vào cuối năm nay.
Trung Quốc được dự báo sẽ nắm khoảng 30%, trong khi Ấn Độ khoảng 8%, nguồn tin trên cho biết. Tỷ lệ cổ phần có quyền biểu quyết của Ấn Độ sẽ là 7,5%.
Vị này nhận định với lượng cổ phần lớn nhất, Trung Quốc sẽ có quyền phủ quyết khi ngân hàng đưa ra các quyết định đòi hỏi phải có 75% số phiếu hay sự tán thành của cổ đông lớn.
|
Trung Quốc sẽ nắm 30% cổ phần tại Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á. Ảnh: AFP
|
"Ấn Độ không bị lu mờ bởi Trung Quốc", quan chức này nói. Bộ Tài chính Ấn Độ dự kiến sẽ sớm nhận được sự chấp thuận của nội các liên bang về việc phê chuẩn dự thảo các thỏa thuận để gia nhập AIIB. "Ấn Độ không gặp bất kỳ khó khăn nào khi tham gia ngân hàng này bởi chúng tôi cần lượng vốn lớn để phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước vẫn đang còn nghèo nàn", nguồn tin này chia sẻ.
Mới đây, 57 thành viên của ngân hàng đã họp tại Singapore để hoàn tất việc phân bổ cổ phần và tỷ lệ biểu quyết, dựa trên tổng sản phẩm trong nước (GDP) tính theo giá sức mua tương đương (PPP).
Hiện các quốc gia đã đồng ý về nguyên tắc dự thảo gia nhập AIIB, trước khi Chính phủ của họ phê chuẩn để trở thành thành viên ngân hàng. Trước mắt, tổ chức này có vốn đăng ký 50 tỷ USD, song sẽ tăng lên 100 tỷ USD trong các năm sau. Các thành viên sẽ phải thanh toán 20% cổ phần của họ trong 5 năm.
AIIB được Trung Quốc xúc tiến thành lập từ năm 2013, nhằm hỗ trợ tài chính cho các quốc gia phát triển đường bộ, đường sắt, cảng và các công trình hạ tầng khác ở châu Á. Bên cạnh khía cạnh kinh tế, tổ chức này được xem là lập ra để cạnh tranh với các tổ chức tài chính đa phương khác vốn bị chi phối bởi các nước phát triển như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) do đại diện châu Âu và Mỹ điều hành, hay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đang có lãnh đạo là người Nhật Bản.
Các chuyên gia đánh giá Trung Quốc sẽ sử dụng sức ảnh hưởng kinh tế từ AIIB để lập một trật tự ở châu Á. Ngoài ra, quốc gia này cũng đang kêu gọi một thỏa thuận thương mại tự do tại châu Á - Thái Bình Dương mà không chịu ảnh hưởng của Mỹ.
Huyền Thư