Tại văn bản gửi Chính phủ, Thừa Thiên Huế cho rằng Lăng Cô – Chân Mây là một trong các khu kinh tế ven biển trọng điểm với nhiều lợi thế để trở thành trung tâm giao thương quốc tế lớn, đô thị hiện đại, trung tâm nghỉ dưỡng tầm cỡ khu vực. Tỉnh nhận định khu vực này là ưu việt để quy hoạch và phát triển dịch vụ du lịch có casino.
Qua làm việc với các đối tác ngoại đang có dự án tại địa phương, tỉnh cho biết nhà đầu tư tỏ ra rất quan tâm đến việc đầu tư khu dịch vụ du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino. Hai cái tên được địa phương nhắc tới là một tập đoàn Hong Kong (Trung Quốc) có dự án tại Lăng Cô với số vốn đầu tư dự kiến 2 tỷ USD và công ty thành viên của một tập đoàn Singapore với dự án đã đầu tư gần 900 triệu USD, đang mở rộng quy mô thêm 300 triệu USD nữa.
|
Thừa Thiên Huế cho rằng khu vực Chân Mây - Lăng Cô có nhiều điều kiện để thu hút đầu tư casino. Ảnh: Vietnam Tourism
|
Ban Quản lý Khu kinh tế Lăng Cô – Chân Mây cho hay cơ sở hạ tầng kỹ thuật kinh tế xã hội của khu đã cơ bản đáp ứng điều kiện để thu hút nhà đầu tư lớn. Hiện có 25 dự án du lịch đăng ký vào đây với số vốn trên 34.000 tỷ đồng, đã thực hiện khoảng 12.000 tỷ đồng.
Trong số này, có các dự án của Tập đoàn Banyan Tree (Singapore) với tổng vốn 875 triệu USD, Công ty Bãi Chuối thuộc Tập đoàn Cattigara (Singapore) có mức đầu tư 102 triệu USD. Các nhà đầu tư nội như Công ty đầu tư phát triển Lập An có vốn đầu tư gần 300 triệu USD, Công ty Phong Phú Lăng Cô với mức đầu tư 5.230 tỷ đồng.
Một số dự án đang ở giai đoạn nghiên cứu đầu tư như khu nghỉ dưỡng cao cấp của Tập đoàn ADA (Hàn Quốc) 500 triệu USD, khu phức hợp đô thị của Công ty Capfin Asia (Mỹ) có tổng mức đầu tư dự kiến 585 triệu USD.
Lãnh đạo tỉnh cũng cho biết, năm 2014, trong số 3 triệu lượt khách du lịch đến Huế thì có hơn một triệu khách quốc tế. Dự báo vào năm 2020, Huế sẽ đón tổng cộng 12 triệu lượt khách, trong đó 5 triệu người nước ngoài.
“Qua nghiên cứu du khách đến Huế và các tỉnh lân cận cho thấy khách quốc tế đến Việt Nam ngoài tham qua di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh thì hoạt động vi chơi giải trí trong đó có casino là hình thức mà du khách rất quan tâm, đặc biệt là khách từ Châu Á. Đây là dịch vụ có vai trò quan trọng trong thu hút, kéo đai thời gian lưu trú và tăng chi tiêu cũng như khả năng quay trở lại của du khách”, tờ trình cho biết.
Địa phương lạc quan rằng, với các tiềm năng, lợi thế kể trên thì Lăng Cô – Chân Mây hội đủ điều kiện thuận lợi nhất để trở thành một trong những khu du lịch đẳng cấp, một trung tâm kinh tế lớn.
“Đưa Lăng Cô – Chân Mây vào quy hoạch casino là điều kiện quan trọng để thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn của những nhà đầu tư thực sự có năng lực tài chính, kinh nghiệm kinhdoanh du lịch để thu hút khách quốc tế đến với Huế, đến với miền trung nhiều di sản”, tờ trình nhấn mạnh.
Thừa Thiên Huế là địa phương thứ 2 trong năm nay xin Chính phủ cho phép triển khai các dự án casino. Hơn một tháng trước, tỉnh Khánh Hòa cũng có văn bản tương tự đề xuất Chính phủ chủ trương đầu tư xây dựng trung tâm giải trí quốc tế có kinh doanh casino tại khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, thuộc huyện Cam Lâm.
Tuy nhiên, đề xuất của tỉnh Khánh Hòa không được cơ quan chủ trì soạn thảo nghị định kinh doanh casino - Bộ Tài chính đồng thuận. Bộ này cho rằng chưa nên điều chỉnh quy hoạch các dự án casino mà Thủ tướng đã ban hành, ít nhất cho đến khi nghị định này ra đời.
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, hiện cả nước có 7 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh casino trong đó đáng chú ý nhất là dư án Hồ Tràm Strip (hoạt động từ tháng 7/2013) tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Nam Hội An (chưa triển khai) có vốn dự kiến từ 4 tỷ USD trở lên.
Ngoài ra, các tỉnh Quảng Ninh và Kiên Giang cũng sẽ có casino tại Vân Đồn và Phú Quốc. Hải Phòng và Đà Nẵng cũng là địa phương có tên trong danh sách có dự án casino.
Chí Hiếu